NHỮNG KHÓ KHĂN TRONG CÔNG TÁC DÂN SỐ VÀ PHÁT TRIỂN HIỆN NAY
Thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) về công tác dân số trong tình hình mới. Trong những năm qua, công tác Dân số và Phát triển của tỉnh Đồng Nai đã đạt được nhiều kết quả quan trọng như: Kết quả thực hiện các chỉ tiêu, mục tiêu của công tác dân số tỉnh Đồng Nai năm 2024, đã hoàn thành đạt và vượt 7/8 chỉ tiêu theo kế hoạch đề ra (Số con trung bình của phụ nữ đạt 1,52 con/ phụ nữ; Tỷ số giới tính khi sinh dưới 107,9 bé trai/100 bé gái sinh ra sống; 100% phụ nữ trong độ sinh đẻ đều được tiếp cận thuận tiện với các biện pháp tránh thai hiện đại; số ca phá thai ngoài ý muốn năm 2024 là 2.776 cas, giảm 17,4% so với cùng kỳ năm 2023 là 3.360 cas; giảm 41,1% so với năm 2017 là 4.713 cas…).
Ngày 11/12/2024, Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 32/2024/NQ-HĐND về quy định chính sách khuyến khích, hỗ trợ tập thể, cá nhân thực hiện tốt công tác dân số trên địa bàn tỉnh Đồng Nai trong đó có chính sách “Phụ nữ sinh đủ hai con trước 35 tuổi thường trú trên địa bàn tỉnh Đồng Nai được hỗ trợ một lần số tiền là 1.000.000 đồng” nhằm khuyến khích người dân kết hôn sớm, sinh con sớm và sinh đủ 02 con.


Tuy nhiên, công tác dân số của tỉnh Đồng Nai đang đối diện với nhiều khó khăn, thách thức như: Chỉ tiêu về điều chỉnh mức sinh chưa đạt giảm 0,59‰ so với năm 2023. Tỷ lệ sinh con thứ 3 có xu hướng tăng theo các năm (năm 2022 là 6,46%, năm 2023 là 6,94%, năm 2024 là 6,96%). Tỷ lệ nam, nữ thanh niên được tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn còn rất thấp. Đây là những thách thức lớn của công tác dân số tỉnh Đồng Nai thời gian tới.
– Mức sinh của tỉnh Đồng Nai vẫn tiếp tục có xu hướng giảm sâu do nhận thức của người dân về sinh đủ hai con chưa đầy đủ, đặc biệt là hệ lụy của mức sinh giảm xuống thấp chưa được chú trọng, quan tâm đúng mức. Hiện nay các hoạt động chỉ tập trung chủ yếu vào công tác tuyên truyền, vận động “mỗi gia đình nên sinh đủ hai con”.
– Tuổi kết hôn trung bình lần đầu của thanh niên đang có xu hướng tăng (năm 2020 là 27,36 tuổi; năm 2023 là: 28,65 tuổi), xu hướng kết hôn muộn, không muốn đẻ, đẻ ít, đẻ thưa ngày càng cao do đô thị hóa tăng và phát triển kinh tế dẫn đến áp lực tìm kiếm việc làm, nhà ở, chi phí sinh hoạt, chi phí nuôi dạy và chăm sóc con cái lớn; học vấn, điều kiện sống được cải thiện, lối sống theo trào lưu và tâm lý thích hưởng thụ có tác động nhất định đến mức sinh thấp; các dịch vụ xã hội cơ bản còn nhiều bất cập tại các khu công nghiệp, khu kinh tế; thiếu chính sách đủ mạnh để người dân ở vùng mức sinh thấp sinh đủ hai con.

