NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ BỆNH SỞI
Sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính gây dịch. Tác nhân gây bệnh là vi rút sởi (Measles virus) thuộc họ Paramyxoviridae, giống Morbillivirus.
Bệnh Sởi lây theo đường hô hấp thông qua dịch tiết mũi họng khi người bị nhiễm bệnh ho, hắt hơi, nói chuyện hoặc tiếp xúc. Bệnh Sởi có tốc độ lây nhiễm rất cao nên có thể gây thành dịch lớn thậm chí là tử vong. Con người là ổ chứa duy nhất; những người chưa có miễn dịch đều có thể bị mắc bệnh, miễn dịch có được sau mắc bệnh hoặc sau tiêm vắc xin bền vững.
Đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới nỗ lực giám sát các bệnh truyền nhiễm và công tác tiêm chủng nói chung và bệnh Sởi nói riêng. Việc gián đoạn cung cấp dịch vụ tiêm chủng và giảm tỷ lệ tiêm chủng cũng như giám sát trên toàn cầu khiến hàng triệu trẻ em dễ mắc các bệnh có thể phòng ngừa được như bệnh Sởi, dẫn tới nguy cơ cao khả năng bùng phát dịch Sởi trên toàn cầu và khiến tất cả trẻ em chưa được tiêm chủng có thể mắc bệnh và tử vong do Sởi.
Tình hình dịch bệnh Sởi:
Theo Báo cáo kết quả số ca mắc bệnh Sởi tăng nhanh từ đầu năm 2024 đến nay trên địa bàn tỉnh ghi nhận 9.161 ca mắc Sởi, tăng 9.158 ca so với cùng kỳ năm 2023 (03 ca). Số ca mắc ghi nhận tại 11 huyện, thành phố, trong đó 05 huyện thành có số ca mắc cao là: Biên Hòa (3.681 ca), Trảng Bom (1.781 ca), Nhơn Trạch (1.036 ca), Long Thành (681 ca), Vĩnh Cửu (579 ca), chiếm 86% số ca mắc toàn tỉnh. Trung bình mỗi ngày hiện nay toàn tỉnh ghi nhận trên 100 ca mắc mới. Ngày 14/12/2024 có số ca mắc cao nhất với 223 ca. Trong 9.161 ca mắc Sởi, tập trung chủ yếu ở 02 nhóm tuổi từ 01-04 tuổi và 05-10 tuổi (chiếm 69%) và có tới 93% trẻ chưa được tiêm vắc xin Sởi, ghi nhận đến hiện tại có 03 ca tử vong.


Hình ảnh khu khám bệnh sốt phát ban Sởi tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai
Bệnh sởi phát triển qua các giai đoạn khác nhau trong quá trình virus lây nhiễm và tấn công cơ thể. Giai đoạn đầu tiên là giai đoạn ủ bệnh, không có triệu chứng rõ ràng, kéo dài từ 7 đến 14 ngày sau khi tiếp xúc với virus Sởi.
Sau giai đoạn ủ bệnh, đến giai đoạn khởi phát, bệnh nhân bắt đầu có triệu chứng bệnh Sởi như sốt, mệt mỏi, đau đầu và đỏ mắt. Một triệu chứng quan trọng của giai đoạn này là xuất hiện ban đỏ trên da, bắt đầu từ khu vực sau tai và lan rộng xuống cổ, mặt, thân và chi.
Tiếp theo là giai đoạn toàn phát, thường kéo dài từ 4 đến 7 ngày. Trong giai đoạn này, ban đỏ trên da lan rộng hơn. Bệnh nhân có thể gặp khó khăn trong việc thở, các triệu chứng khác xuất hiện: ho khan, sổ mũi, mắt đỏ và nhức, đôi khi tiêu chảy và nôn mửa.
Cuối cùng, giai đoạn hồi phục xảy ra khi triệu chứng bệnh Sởi giảm dần và ban đỏ trên da bắt đầu phai mờ. Trong giai đoạn này, bệnh nhân cần được chăm sóc và nghỉ ngơi để phục hồi sức khỏe hoàn toàn.
Hiểu rõ về các giai đoạn phát triển của bệnh Sởi giúp chúng ta nhận ra sớm triệu chứng bệnh Sởi, để chẩn đoán và điều trị bệnh hiệu quả, đồng thời giảm nguy cơ lây nhiễm cho người khác.

Đưa trẻ đến bệnh viện ngay khi có các dấu hiệu sau:
– Trẻ không uống được hoặc không bú mẹ được.
– Trẻ nôn tất cả mọi thứ.
– Trẻ co giật, rối loạn ý thức.
– Trẻ ngủ li bì hoặc khó đánh thức.
– Trẻ sốt cao liên tục hoặc giai đoạn phát ban toàn thân mà còn sốt cao.
– Trẻ khó thở, thở rít, thở rót lõm lồng ngực hoặc có cơn ngừng thở.
* Khi phát hiện các dấu hiệu bất thường hoặc triệu chứng bệnh nặng hơn thì nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế.
Các biện pháp cần làm khi mắc bệnh:
1. Cách ly trẻ bị bệnh với trẻ lành.
2. Cho trẻ uống thuốc hạ sốt ≥ 38,50C theo chỉ định của bác sĩ.
3. Người chăm sóc trẻ cần tự bảo vệ bằng cách đeo khẩu trang, rửa tay sạch trước và sau mỗi lần tiếp xúc với trẻ bị bệnh.
4. Vệ sinh thân thể cho trẻ sạch sẽ.
5. Nên chế biến thức ăn mềm, dễ tiêu hóa, nấu chín kỹ và khi ăn nên chia thành nhiều bữa và chú trọng đến khẩu vị của bé.
6. Trẻ còn bú mẹ vẫn tiếp tục cho bú kết hợp bổ sung dinh dưỡng hợp lý (đối với trẻ ≥ 6 tháng).
7. Theo dõi trẻ và phát hiện các dấu hiệu trở nặng để đến cơ sở y tế ngay.
Cách phòng bệnh Sởi hiệu quả nhất:
Tiêm vắc xin là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất. Để phòng bệnh có hiệu quả, trẻ cần được tiêm 2 mũi. Mũi thứ nhất được tiêm khi trẻ 9 tháng tuổi, mũi thứ hai được tiêm khi trẻ 18 tháng tuổi.
Sau khi mắc sởi xong hoặc sau khi được tiêm đủ 2 mũi vắc xin theo lịch tiêm chủng thì có miễn dịch Sởi và có thể bền vững suốt đời.
Do đó cha mẹ, phụ huynh, người giám hộ đưa trẻ đi tiêm chủng vắc xin đầy đủ, đúng lịch phòng, chống dịch Sởi.
Thực hiện vệ sinh môi trường thường xuyên, hoạt động khử trùng tại trường học (đặc biệt mầm non, nhà trẻ) và các hộ gia đình trong ổ dịch, vùng dịch.
Tăng cường công tác truyền thông các biện pháp phòng bệnh, tiêm chủng vắc xin có thành phần Sởi.