Xây dựng Luật Dân số thay thế Pháp lệnh Dân số tạo cơ sở pháp lý thể chế hóa công tác dân số trong tình hình mới
Tuy nhiên, công tác dân số hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức như: xuất hiện một số vấn đề dân số thực tiễn nảy sinh, tác động trực tiếp đến sự phát triển bền vững của đất nước.
Mức sinh thay thế chưa thực sự bền vững (số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ là 1,96 con và tỷ lệ tăng dân số là 0,84% năm 2023), xuất hiện xu hướng mức sinh xuống thấp, chênh lệch về mức sinh giữa các vùng, đối tượng chưa được khắc phục; mất cân bằng giới tính khi sinh còn cao (tỷ số giới tính khi sinh là 111,8 bé trai/100 bé gái năm 2023); già hóa dân số tăng nhanh; chưa có các giải pháp đồng bộ để phát huy hiệu quả lợi thế của thời kỳ cơ cấu dân số vàng và thích ứng với già hóa dân số; tuổi thọ trung bình của người Việt Nam tăng (năm 2023 là 74,5 tuổi) nhưng số năm sống khỏe mạnh chưa tương xứng; phân bố dân số, quản lý di cư còn nhiều bất cập. Các yếu tố liên quan đến công tác dân số chưa được lồng ghép một cách hệ thống trong hoạch định, thực thi chính sách phát triển kinh tế-xã hội.
Việc xây dựng Luật Dân số thay thế Pháp lệnh Dân số hiện này là rất cần thiết nhằm tạo cơ sở pháp lý thể chế hóa các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng về công tác dân số trong tình hình mới, trực tiếp là Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết số 21-NQ/TW Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới; có các biện pháp ứng phó với tốc độ già hoá dân số nhanh trong thời gian tới, tận dụng hiệu quả lợi thế của thời kỳ cơ cấu dân số vàng phục vụ sự phát triển bền vững của đất nước; hướng đến năm 2045 Việt Nam là nước có dân số chất lượng tốt, lực lượng lao động đông đảo, thu nhập cao… nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh: “Hội thảo Góp ý, hoàn thiện chính sách trong Luật Dân số và gợi ý chính sách chuyển đổi nhân khẩu học của các nền kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương là hoạt động rất cần thiết, góp phần đáp ứng các yêu cầu và nhiệm vụ trong quá trình xây dựng, hoàn thiện dự thảo Luật Dân số”.
Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đề nghị các đại biểu quốc tế chia sẻ những kinh nghiệm quốc tế và bài học từ những quốc gia khác đã thành công trong việc xây dựng, thực thi các chính sách dân số; gợi ý chính sách chuyển đổi nhân khẩu học của các nền kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương trong việc xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật về dân số và thảo luận, góp ý về các chính sách trong dự thảo hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Dân số.
Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị Cục Dân số tổng hợp, tiếp thu đầy đủ ý kiến góp ý của các đại biểu, chuyên gia và khẩn trương chỉnh lý, hoàn thiện các chính sách, giải pháp trong dự thảo hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Dân số để trình cấp có thẩm quyền theo quy định.
GS.TS.Nguyễn Thiện Nhân, Đại biểu Quốc hội khóa XV, nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành uỷ TP. Hồ Chí Minh, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ phát biểu
Đề cập đến giải pháp để phát triển dân số, đất nước bền vững, gia đình và người dân hạnh phúc, GS.TS.Nguyễn Thiện Nhân, Đại biểu Quốc hội khóa XV, nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành uỷ TP. Hồ Chí Minh, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ cho rằng: để mỗi gia đình có thể sinh được 2 con, thì thu nhập của 1 gia đình 2 người đi làm phải nuôi được đàng hoàng 4 người (2 người lớn, 2 trẻ con). Chính phủ, các doanh nghiệp và người lao động (Công đoàn) cần thống nhất nhận thức và giải pháp để gia đình có 2 người đi làm có đủ thu nhập để nuôi dạy, cho học hành đàng hoàng 2 người con. (Cần chuyển từ quy định lương tối thiểu sang quy định lương đủ sống giờ cho gia đình 4 người);
Thời gian làm việc của người lao động phải đủ ngắn (8 giờ lao động/ngày, 40 giờ/tuần) để họ có thời gian tìm bạn đời, chăm sóc con cái gia đình và sở thích riêng tư;
Cần có thị trường nhà ở có tính cạnh tranh, sự hỗ trợ và giám sát của Nhà nước để người lao động có thể thuê hoặc mua được nhà với giá cả chấp nhận được, để việc không có nhà không trở thành một điều kiện không thể vượt qua khi kết hôn; điều kiện làm việc, chế độ nghỉ khi có thai và sinh con, chế độ lương và thăng tiến ở doanh nghiệp phải khuyến khích việc lập gia đình và sinh con, không tạo ra xung đột giữa việc làm và gia đình, có con; cần thực hiện phổ cập giáo dục mầm non (trẻ từ 3 tháng tuổi đến 5 tuổi) để cha mẹ có điều kiện làm việc và phát triển ngay cả khi sau sinh và con còn nhỏ. Phát triển hệ thống giáo dục công lập và ngoài công lập để phổ cập tiểu học, trung học cơ sở và phổ cập nghề;
Chia sẻ trách nhiệm giữa vợ và chồng trong việc làm việc nhà, nuôi dạy con, thực hiện bình đẳng giới thực sự;
Xây dựng môi trường xã hội thân thiện với trẻ em, người mẹ và gia đình, thể hiện sự trân trọng của xã hội với những người làm tròn trách nhiệm công dân để đất nước phát triển bền vững về lao động và dân số;
Cần dạy về làm vợ làm chồng hạnh phúc, làm cha mẹ hạnh phúc và xây dựng gia đình hạnh phúc từ bậc học phổ thông và giáo dục nghề nghiệp. Cần dạy môn hạnh phúc học của người Việt Nam ở các bậc học;
Cần phát huy truyền thống văn hoá của người Việt Nam, sáng kiến cộng đồng địa phương để kết hôn và sinh con đem lại hạnh phúc không thể thay thế cho đời người, là niềm tự hào khi làm tròn trách nhiệm công dân;
Nhà nước có chương trình hỗ trợ thiết thực các cặp vợ chồng vô sinh sinh con; các gia đình tự quyết định số con và thời điểm sinh con. Phát triển hệ thống tư vấn chăm sóc sức khỏe và hỗ trợ sinh sản.
PGS.TS.Nguyễn Thị Liên Hương; GS.TS.Nguyễn Thiện Nhân cùng các đại biểu chụp ảnh kỷ niệm
Tại hội thảo, các đại biểu được nghe và thảo luận một số nội dung như: Tổng quan về Đề nghị xây dựng Luật Dân số; các giải pháp để duy trì vững chắc mức sinh thay thế và nâng cao sức khoẻ dân số trong đề nghị xây dựng Luật Dân số; gợi ý chính sách chuyển đổi nhân khẩu học của các nền kinh tế châu Á-Thái Bình dương- Gia đình thông minh APEC: Danh mục các lựa chọn chính sách; các biện pháp thực hiện quyền và nghĩa vụ của các cặp vợ chồng, cá nhân trong việc sinh con, bảo đảm quyền con người và trách nhiệm công dân trong thực hiện chính sách dân số; duy trì vững chắc mức sinh thay thế trên phạm vi cả nước – Khuyến nghị chính sách; lợi tức đầu tư kế hoạch hóa gia đình; lợi ích của việc tầm soát, chẩn đoán, điều trị bệnh tan máu bẩm sinh Thalassemia – Quy định về tầm soát, chẩn đoán, điều trị trước sinh và sơ sinh trong Luật Dân số và chia sẻ kinh nghiệm xây dựng chính sách, pháp luật về dân số; khuyến nghị xây dựng chính sách, pháp luật về dân số của Việt Nam./.
(Sưu tầm từ cổng thông tin điện tử Bộ Y tế)