Công tác dân số đối mặt với nhiều thách thức
Chênh lệch mức sinh đáng kể giữa các vùng miền, tỷ số giới tính khi sinh ở mức cao, tốc độ già hóa dân số nhanh là 3 trong số nhiều thách thức của công tác dân số ở nước ta, trong đó có Đồng Nai.
Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai hướng dẫn một cụ già tập vận động
Các chuyên gia khuyến cáo, mỗi gia đình hãy sinh đủ 2 con, thực hiện tốt các hoạt động chăm sóc sức khỏe định kỳ để nâng cao chất lượng cuộc sống cho bản thân, người thân trong gia đình, góp phần xây dựng, phát triển đất nước.
Mức sinh thay thế giảm sâu
Theo thống kê của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và đầu tư), năm 1999, trung bình mỗi phụ nữ Việt Nam trong độ tuổi sinh đẻ có 2,33 con. Từ năm 2009 đến nay, tỷ suất sinh dao động quanh mức 2,1 con; đến năm 2023, chỉ còn 1,9 con, thấp nhất từ trước đến nay.
Tổng tỷ suất sinh là 2,1 con/phụ nữ được coi là đạt mức sinh thay thế. Nếu thấp hơn mức này sẽ làm suy giảm quy mô dân số, cơ cấu tuổi của dân số trong tương lai, suy giảm nhóm dân số trong độ tuổi lao động. Đồng thời, tác động mạnh vào quá trình di cư, tăng nhanh quá trình già hóa dân số, mất cơ hội tận dụng cơ cấu dân số vàng…
Hiện nay, mức sinh giữa các vùng, miền trong cả nước đang có sự chênh lệch đáng kể. Hiện có đến 21 tỉnh, thành phố có mức sinh thấp, thậm chí rất thấp, tập trung ở khu vực Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long và Duyên hải miền Trung. Đồng Nai thuộc nhóm tỉnh, thành có mức sinh thấp.
Một vấn đề khác đang đặt ra đối với công tác dân số là tỷ số giới tính khi sinh giữa bé trai và bé gái trên cả nước đang có sự chênh lệch (113 bé trai/100 bé gái). Số bé trai được sinh ra nhiều hơn số bé gái dẫn đến nguy cơ thừa nam, thiếu nữ trong tương lai.
Phó giám đốc Sở Y tế Võ Thị Ngọc Lắm cho biết, tỷ số giới tính tại Đồng Nai hiện vẫn ở mức cho phép (108 bé trai/100 bé gái) nhưng có xu hướng tăng và tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất cân bằng giới tính khi sinh. Một trong những nguyên nhân dẫn đến sự chênh lệch tỷ số giới tính khi sinh là người dân vẫn còn tâm lý ưa thích con trai hơn con gái, dẫn đến việc lạm dụng khoa học để lựa chọn giới tính thai nhi. Do vậy, cần có các giải pháp quyết liệt để ngăn chặn việc lựa chọn giới tính thai nhi, tránh những hệ lụy về sau.
Áp lực già hóa dân số
Báo cáo Tình hình dân số, lao động và việc làm của Tổng cục Thống kê cho thấy, tuổi thọ trung bình của người Việt năm 2023 là 73,7 tuổi, là quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh so với thế giới. Theo dự báo đến năm 2050, tỷ lệ người từ 60 tuổi trở lên tăng hơn 25%. Đặc biệt, năm 2036 sẽ bắt đầu thời kỳ chuyển dịch từ xã hội “già hóa” sang xã hội “già”.
Một người cao tuổi được bác sĩ và người nhà thăm khám, chăm sóc tại Bệnh viện Đồng Nai – 2
Tại Đồng Nai, theo Phó giám đốc Sở Y tế Võ Thị Ngọc Lắm, trong số hơn 3,2 triệu dân, có hơn 280 ngàn người cao tuổi, chiếm dưới 10% và chưa bước vào quá trình già hóa dân số. Tuy nhiên, Đồng Nai vẫn là một trong những địa phương có số lượng người cao tuổi nhiều, chỉ sau Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Võ Chiến, Khoa Nội tim mạch – lão học, Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh, cho hay trung bình một người cao tuổi mắc tới 7 bệnh mạn tính. Các hội chứng đặc trưng dễ gặp ở người già như: suy giảm trí nhớ, rối loạn đi và ngã, suy dinh dưỡng, giảm hoạt động chức năng, lú lẫn, trầm cảm, mất nước, tai biến do điều trị, giảm sức đề kháng với bệnh tật, khả năng hồi phục sức khỏe kém. Từ đó đòi hỏi người cao tuổi phải được điều trị và chăm sóc một cách đặc biệt.
Các thống kê của ngành y tế đã chỉ ra rằng, trong số gần 74 năm tuổi thọ, người già ở Việt Nam chỉ có khoảng 64 năm sống mạnh khỏe, còn lại 10 năm phải chống chọi với bệnh tật, cần sự hỗ trợ của y tế.
Để thích nghi với già hóa dân số, lãnh đạo Sở Y tế đề xuất cả hệ thống chính trị cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp; cần đưa chỉ tiêu ứng phó với già hóa dân số là chỉ tiêu trong nghị quyết phát triển kinh tế – xã hội hàng năm và tăng cường giám sát quá trình triển khai thực hiện. Trong đó, cần tập trung thực hiện ở các tỉnh, thành phố có tỷ lệ người cao tuổi cao, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn. Giải quyết đồng bộ các chính sách tăng trưởng, phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội nhằm bảo đảm và cải thiện thu nhập của người cao tuổi từ lao động và hưu trí.
Ngoài ra, cần chú trọng phát triển các chính sách tạo việc làm phù hợp, cải thiện thu nhập cho người cao tuổi để phát huy được thế mạnh của họ. Mở rộng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi như: thành lập các bệnh viện lão khoa, hệ thống nhà dưỡng lão, tăng cường các hoạt động nhằm nâng cao sức khỏe tinh thần cho người cao tuổi…
(Sưu tầm từ báo Đồng Nai online)