Hiểu đúng về sinh con “thuận tự nhiên”
Sau một thời gian tạm lắng, gần đây trên mạng xã hội lại tiếp tục chia sẻ một số trường hợp thuộc trào lưu sinh con “thuận tự nhiên” với nhiều ý kiến trái chiều.
Bác sĩ sản khoa của Bệnh viện Đồng Nai – 2 khám và tư vấn giúp thai phụ có thai kỳ khỏe mạnh
Các chuyên gia y tế cảnh báo, việc sinh con “thuận tự nhiên” có thể đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe và tính mạng của cả mẹ và bé.
“Trào lưu” phản khoa học
Trưởng khoa Phụ sản, Bệnh viện Đồng Nai – 2 ThS-BS Trần Đình Thùy cho biết, sinh con “thuận tự nhiên” được hiểu là sinh con tại nhà mà không có sự hỗ trợ của nhân viên y tế. Khi sản phụ sinh xong thì không cắt dây rốn cho em bé mà dây rốn và bánh nhau vẫn để nguyên, từ 3-10 ngày sau dây rốn và bánh nhau sẽ tự rụng đi.
Nguồn gốc của trào lưu này bắt nguồn từ việc sinh nở của một loài động vật là con tinh tinh. Khác với những loài động vật khác, khi sinh con xong, tinh tinh không cắn dây rốn mà vẫn để vậy. Nhiều người theo dõi và cho rằng việc sinh nở như vậy là thuận tự nhiên, sẽ giúp cho mẹ và bé khỏe mạnh hơn.
Tuy nhiên, các chuyên gia chuyên về sản khoa khẳng định, hiện chưa có bất kỳ nghiên cứu khoa học hay chứng cứ nào khẳng định sinh con thuận tự nhiên sẽ đem lại lợi ích cho mẹ và bé. Ngược lại, điều này có thể khiến mẹ và bé nguy hiểm đến tính mạng.
Cụ thể, người mẹ có thể gặp phải các tai biến sản khoa thường gặp là băng huyết sau sinh, nhiễm trùng, vỡ tử cung, sản giật… Còn em bé có thể đối mặt với nguy cơ bị suy hô hấp nếu không được can thiệp kịp thời. Khi dây rốn ngừng đập sẽ không còn tuần hoàn trong bánh nhau và bánh nhau trở thành mô chết.Việc để cơ thể em bé thông nối với mô chết đang phân hủy trong khoảng thời gian 3- 10 ngày sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm trùng, gây nguy hiểm cho tính mạng em bé.
Trên thực tế, đã có nhiều trường hợp cả mẹ và bé tử vong do sinh con tại nhà mà không có sự can thiệp, hỗ trợ của y tế. Vào tháng 1-2024, trên địa bàn Đồng Nai cũng ghi nhận trường hợp em bé một tháng tuổi bị bệnh uốn ván sơ sinh. Theo thông tin từ các cơ quan chức năng, trong quá trình mang thai, sản phụ không đi khám thai, không tiêm phòng vaccine uốn ván. Em bé được đẻ rớt tại nhà và được người cha cắt dây rốn bằng dao lam, không băng rốn.
Theo bác sĩ Thùy, mỗi người có một sự lựa chọn khác nhau nhưng bản thân ông không ủng hộ trào lưu sinh con thuận tự nhiên, vì nó đi ngược với sự tiến bộ của y học hiện đại. Một số người do hiểu biết chưa đầy đủ hoặc cố tình bác bỏ những thành tựu của y học hiện đại, cho rằng cứ những gì theo tự nhiên là tốt, nhưng không hẳn là thế.
Để “mẹ tròn, con vuông”
ThS-BS Trần Đình Thùy cho hay, để có thể sinh ra những đứa con khỏe mạnh và đảm bảo an toàn tính mạng cho cả mẹ và bé, ngay từ khi có ý định kết hôn, các cặp nam nữ nên đi khám sức khỏe tiền hôn nhân để tầm soát xem một trong 2 người hoặc cả 2 người có mang gene lặn của bệnh tan máu bẩm sinh (thalassemia) hay không. Ngoài ra, việc khám sức khỏe tiền hôn nhân cũng để tiên lượng được khả năng sản khoa của các cặp đôi sau này như: có khả năng sinh con không, có mắc phải các bệnh lý có thể lây truyền từ cha/mẹ cho em bé như viêm gan B, HIV… hay không. Từ đó, bác sĩ sẽ có những khuyến cáo phù hợp cho các cặp đôi.
Trước khi có ý định mang thai, phụ nữ cần tiêm một số loại vaccine phòng bệnh như: uốn ván, cúm, bạch hầu, ho gà. 3 tháng đầu trong quá trình mang thai, thai phụ cần đến các cơ sở y tế có chuyên khoa sản để khám, siêu âm xem vị trí của thai nhi, thai nhi có khỏe mạnh không. Từ tuần thứ 11 đến 13 tuần 6 ngày, thai phụ cần thực hiện tầm soát các dị tật bẩm sinh của thai nhi. Sau đó, tùy vào tình hình của thai nhi mà thực hiện thăm khám một tháng/lần với thai bình thường hoặc 2-3 tuần/lần với thai có nguy cơ.
Ngoài ra, ở mốc thời gian từ 18 tuần trở lên, thai phụ cần nhớ để siêu âm hình thái thai nhi, kiểm tra xem thai nhi có mắc các dị tật bẩm sinh hay không. Từ 24-28 tuần cần đi khám để tầm soát tiểu đường thai kỳ.
Bác sĩ Thùy khuyến cáo, các sản phụ nên đến cơ sở y tế chuyên khoa sản khi sinh. Những nơi này có đầy đủ y, bác sĩ có tay nghề, máy móc, thiết bị để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé.
Ngay sau khi em bé chào đời tại cơ sở y tế, nếu đủ các điều kiện cần thiết, em bé sẽ được tiêm vitamin K1 để dự phòng xuất huyết não, tiêm vaccine phòng bệnh viêm gan B, vài tuần sau sẽ tiêm vaccine phòng bệnh lao. Từ 2 tháng tuổi trở đi, em bé sẽ thực hiện tiêm chủng các loại vaccine theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
“Sản phụ và gia đình sản phụ tuyệt đối không nên tin, nghe theo những lời chia sẻ phản khoa học về sinh con “thuận tự nhiên”, tránh gây nguy hiểm cho cả mẹ và bé” – bác sĩ Thùy nhấn mạnh.
(Sưu tầm từ báo Đồng Nai online)