Nguy cơ không đạt được mục tiêu duy trì mức sinh thay thế trên toàn quốc
Hiện nay mức sinh giữa các vùng, miền đang có sự chênh lệch đáng kể. Đáng chú ý, 21 tỉnh, thành phố có mức sinh thấp; thậm chí một số địa phương có mức sinh rất thấp…
Ảnh: TTXVN/Vietnam+
Bộ Y tế vừa có văn bản gửi ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Dân số Thế giới 11/7.
Theo Bộ Y tế, trong 30 năm thực hiện Chương trình hành động, Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu: Tốc độ gia tăng dân số đã được khống chế thành công và bước vào thời kỳ dân số vàng từ 2007; tuổi thọ trung bình tăng nhanh, tầm vóc, thể lực, chất lượng cuộc sống của nhân dân được cải thiện về nhiều mặt.
Tuy nhiên, công tác dân số trong thời gian tới có nhiều khó khăn, thách thức đó là nguy cơ không đạt được mục tiêu duy trì mức sinh thay thế trên phạm vi toàn quốc; tốc độ già hóa dân số nhanh và sớm trở thành quốc gia dân số già; tỉ số giới tính khi sinh vẫn luôn ở mức cao; tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết vẫn chậm khắc phục; chất lượng dân số, nhất là tại vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn còn hạn chế.
Ông Lê Thanh Dũng – Cục trưởng Dân số (Bộ Y tế) cho biết mức sinh thay thế là mức sinh trung bình của người phụ nữ trong toàn bộ cuộc đời của mình sinh đủ số con để thay mình thực hiện chức năng sinh đẻ và duy trì (nòi giống).
Hiện nay mức sinh giữa các vùng, miền đang có sự chênh lệch đáng kể. 21 tỉnh, thành phố có mức sinh thấp; thậm chí một số địa phương có mức sinh rất thấp, tập trung ở khu vực Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long và duyên hải miền Trung.
Vùng Đông Nam Bộ là khu vực có tỷ lệ giảm sâu: Năm 1999 vùng này vẫn còn tỷ lệ một phụ nữ sinh 2,9 con thì hiện nay giảm xuống chỉ còn 1,56 con. Mức sinh thấp không chỉ diễn ra ở một số đô thị, nơi có điều kiện kinh tế phát triển mà còn xuất hiện ở nhiều tỉnh có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn như ở Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, nơi chiếm vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, bảo đảm an ninh quốc gia về lương thực. Các tỉnh có mức sinh thấp chiếm khoảng 39% dân số cả nước, sẽ tác động rất lớn đến quá trình phát triển bền vững đất nước.
Bộ Y tế đề nghị uỷ ban nhân dân, Ban chỉ đạo Dân số và Phát triển các tỉnh, thành phố quan tâm, chỉ đạo sở y tế, sở, ban, ngành và uỷ ban nhân dân cấp huyện tổ chức Lễ Mít tinh phát động, hưởng ứng với sự tham gia của các sở, ngành, đoàn thể, chính quyền các cấp và các tầng lớp nhân dân nhằm tạo sự chuyển biến căn bản về nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân về nhiệm vụ, nội dung công tác dân số trong tình hình mới.
Các đơn vị có liên quan chỉ đạo đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về dân số trên các phương tiện thông tin đại chúng, treo băng rôn, áp phích, tài liệu, tờ rơi với nội dung công tác dân số liên quan đến đời sống, xã hội và sự phát triển bền vững của đất nước và của địa phương trong hiện tại và tương lai.
Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương tăng cường chỉ đạo công tác phối hợp liên ngành; phân công nhiệm vụ, thực hiện cơ chế phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan, đoàn thể, tổ chức tham gia thực hiện công tác dân số trên địa bàn.
Theo thống kê của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), năm 1999 trung bình mỗi phụ nữ Việt Nam trong độ tuổi sinh đẻ có 2,33 con. Từ năm 2009 đến nay, tỷ suất sinh tăng nhẹ, hoặc giảm nhẹ quanh mức (2,1 con) và đến năm 2023, theo thống kê mới nhất, mỗi phụ nữ Việt Nam có 1,9 con, thấp nhất từ trước đến nay. Việt Nam đang gặp khó khăn nhất định, khi mà mục tiêu đến năm 2030 duy trì vững chắc mức sinh thay thế 2,1 con/phụ nữ, quy mô dân số khoảng 104 triệu người./.