CÔNG TÁC DÂN SỐ VẪN CÒN NHIỀU KHÓ KHĂN, THÁCH THỨC
Ngày 9/8/2024 tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Cục Dân số, Bộ Y tế tổ chức Hội thảo chuyên đề công tác dân số năm 2024. Chủ trì Hội thảo có PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia Dân số và Phát triển; Ông Lê Thanh Dũng, Cục trưởng Cục Dân số và lãnh đạo Sở Y tế, Chi cục Dân số 36 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam.
Ông Lê Thanh Dũng – Cục trưởng Cục Dân số phát biểu khai mạc hội thảo
Hội nghị đã nghe ông Phạm Vũ Hoàng, Phó Cục trưởng Cục Dân số, Bộ Y tế trình bày báo cáo thực hiện công tác dân số 6 tháng đầu năm, những khó khăn, hạn chế và nhiệm vụ trọng tâm đến hết năm 2024.
Theo đó, công tác dân số thời gian qua và 6 tháng đầu năm 2024 đã đạt một số kết quả cụ thể: Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 527/QĐ-TTg ngày 18/6/2024 về kiện toàn Ban chỉ đạo Quốc gia Dân số và Phát triển, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long làm Trưởng ban; Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 34/2023/TT-BYT quy định chức năng nhiệm vụ, quyền hạn của Chi cục Dân số; Ban Cán sự Đảng Bộ Y tế báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị Quyết số 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới; Cục Dân số đã chủ động hướng dẫn các địa phương thực hiện chỉ tiêu kế hoạch 2024; hướng dẫn các hoạt động chuyên môn cũng như chủ động xây dựng, triển khai thử nghiệm các mô hình về dân số ngay từ đầu năm để nhân rộng ra toàn quốc trong thời gian tới sau khi đã đánh giá kết quả; hướng dẫn và triển khai tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Thalassemia Thế giới (8/5); Ngày Dân số Thế giới (11/7) năm 2024.
Ở địa phương, đến hết tháng 6/2024, các tỉnh, thành phố đã ban hành kế hoạch thực hiện các chương trình, đề án theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về lĩnh vực truyền thông, điều chỉnh mức sinh, dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, tầm soát, chẩn đoán, điều trị các bệnh, tật trước sinh và sơ sinh, kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi… Đặc biệt đã có 25 tỉnh, thành phố đã xây dựng và trình Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố ban hành Nghị quyết quy định về chính sách dân số trong tình hình mới. Các tỉnh, thành phố đã bố trí kinh phí từ ngân sách địa phương để triển khai thực hiện các chương trình, đề án về dân số đã được Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố phê duyệt để triển khai thực hiện.
Tuy đã đạt được một số kết quả, công tác dân số còn nhiều khó khăn, hạn chế, tác động trực tiếp đến phát triển bền vững của đất nước: Xuất hiện xu hướng mức sinh xuống thấp, tốc độ gia tăng tỉ số giới tính khi sinh bước đầu đã được khống chế nhưng hiện vẫn còn ở mức cao. Chỉ tiêu cơ bản là Tổng tỷ suất sinh (số con trung bình của một phụ nữ) dự kiến không đạt chỉ tiêu kế hoạch năm đề ra; 6/8 chỉ tiêu chuyên môn đạt tỉ lệ thấp như: giảm tỉ số giới tính khi sinh, tăng, giảm điều chỉnh mức sinh theo từng khu vực; tăng tỉ lệ bà mẹ mang thai được sàng lọc 4 bệnh; tỉ lệ trẻ sơ sinh được sàng lọc 5 bệnh; tỉ lệ nem nữ thanh niên được tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn; giảm tỉ lệ trẻ vị thành niên, thanh niên mang thai ngoài ý muốn. Dự kiến không đạt chỉ tiêu kế hoạch năm 2024 nếu không có giải pháp kịp thời, cố gắng, nỗ lực hơn nữa trong thời gian tới.
Nguồn lực đầu tư cho công tác dân số ở các cấp đều bị cắt giảm nhiều; Tổ chức bộ máy, cán bộ ở cả trung ương và địa phương biến động; một số tỉnh, thành phố có chủ trương chuyển Chi cục thành phòng Dân số; các địa phương khó khăn trong việc mua phương tiện tránh thai miễn phí, đặc biệt là thuốc tiêm, thuốc cấy; chế độ đãi ngộ đối với cán bộ dân số chưa kịp thời và tương xứng với nhiệm vụ. Kết quả sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW cho thấy nhiều nhóm mục tiêu, chỉ tiêu đạt thấp và sẽ không đạt được mục tiêu đề ra đến năm 2030./.
VTHĐ